<bgsound src="/Nhac Dieu Buon Phuong Nam.mp3"/> Le Dinh








Cỏ Biển



































Người đưa thư bất đắc dĩ

Cỏ Biển



Thời đại bây giờ ai ai cũng dùng computer nên bọn trẻ gọi là “ thời a còng “, thư đi tin lại bằng email, “ chat chit “ với nhau nhanh giống tốc độ ánh sáng nên người đưa thư trở nên ít việc. Nhiều nơi có kế hoạch sa thải bớt người cũng như không phát thư từng nhà và thay vào đó lập ra một địa điểm tập trung các hộp thư vào một chỗ. Dự định không thành vì đa số khách hàng là người cao tuổi đều phản đối vì không tiện di chuyển.

Tôi có một bà dì gần chín mươi đang sống ở bờ Đông Bắc Mỹ. Bà có thói quen hàng năm gửi thiệp chúc Giáng sinh và Tết cho những ai bà có địa chỉ trong tay. Bà con, bạn bè, cháu chắt lớn nhỏ gần xa bà đều gởi đến. Cặm cụi ngồi ghi chép tên từng người lên phong bì, viết vài chữ vào tấm thiệp, dán tem và ra bưu điện gửi đi. Bà nói :” Đáng lẽ ngành bưu điện phải gắn huân chương khen thưởng bà mới phải, vì bà là người khách hàng trung thành và mang lợi nhuận cho ngành này bằng cách mua tem và gửi thư gần bốn mươi năm nay. “ Có lẽ gửi thư là niềm vui duy nhất nhắc cho mọi người nhớ đến bà.

Ai cũng ít nhất một vài lần trong đời trải qua tâm trạng chờ đợi những lá thư. Nhất là lúc “ tình vừa lên ngôi “ trong trái tim còn non trẻ của mỗi người, đó cũng là những lần nó biết đập nhịp hồi hộp mong chờ ông phát thư ngoài cửa. Chờ những lá thư mang dấu KBC từ chiến tuyến hay những tờ thư viết trên giấy perlure mỏng màu hồng gửi đi từ phố thị. Không phải ngẫu nhiên, hình vẽ tiêu biểu hiển thị cho ngành bưu điện là cánh chim được in hầu hết trên các phong bì gửi đi khắp thế giới.

Qua rồi những ngày đông lạnh giá, tiết trời vùng Tây Bắc Mỹ ngày càng ấm dần nhắc nhở mùa xuân sắp về. Các hội đoàn người Việt mọi nơi bận rộn thảo luận chương trình tổ chức ngày hội chợ Tết truyền thống. Hương xuân phảng phất khắp nơi khiến lòng tôi nao nao nhớ về những mùa xuân ngày cũ tràn đầy kỷ niệm êm đềm và ấm áp của đêm giao thừa. Ngày ấy đã xa rồi !!! Lâu lắm tôi chưa được “ ăn Tết “ ở quê hương nơi mình sinh ra ! Nhiều bạn bè nói với tôi rằng đừng hòng tìm lại hương vị ngày Tết thuở trước ở Việt Nam, tất cả đã hóa thành cổ tích mất rồi ! Ở nơi này tôi chỉ còn giữ một chút truyền thống ngày xưa là dọn dẹp nhà cửa trước ngày đầu năm Âm lịch, trong lúc soát xét các tài liệu thư từ có một xấp thư cũ kỷ gói kín và cột bằng một sợi thun cao su đã lâu ngày nên hoá ra chảy nhão. Đây là thư của anh gửi từ trại cải tạo vào những năm tháng của thế kỷ trước, gần bốn mươi năm qua.Nhiều cái bao thư được làm từ trang giấy tập vàng vọt, loại giấy được tái sinh từ rác còn lẫn cát, đất. Thành quả của phong trào kế hoạch nhỏ, thu gom giấy vụn mà học trò phải làm từ sau ngày “ đại thắng 75 “. Lần xem từng lá thư những hình ảnh xa xưa bỗng hiện về …!




Giây phút đầu tiên nhận được lá thư trong có giấy báo cho phép thăm nuôi gặp mặt sau hơn ba năm biệt dạng chồng! Tôi mừng còn hơn trúng số, trong thư anh chỉ dẫn đường đi cho tôi với những địa danh lạ hoắc lần đầu nghe thấy.

Từ Tây Ninh tôi phải tìm đường đi đến Kà Tum, Xa mát. Đó là một làng nhỏ nằm gần biên giới Campuchia có chưa đến chục nóc nhà tranh chắc hẳn mới dựng lên, chúng nằm túm tụm trên một khu đất gọi là chợ và bến xe, khi đến nơi tôi mới biết. Theo lời kể của người đi trước, nếu muốn đến nơi mọi người phải quá giang trên những chiếc xe be lên rừng chở gỗ. Nhưng đến lượt tôi may mắn thay vừa có một chiếc xe cũ đã được cải tiến thay xăng dầu để chạy bằng than cũng chở được gần hai chục người vừa ngồi bên trong, vừa đeo bám phía sau. Mỗi ngày chỉ có chuyến xe duy nhất khởi hành từ bến xe Tây Ninh vào Xa Mát. Có những gia đình phải xin vào chùa tá túc khi lỡ đường, chờ xe gom đủ khách là những gia đình đi thăm nuôi từ Saigon lên. Cũng chiếc xe này sẽ trở lại thị xã vào ngày hôm sau. Trên đường đi cậu nhỏ lơ xe chỉ cho chúng tôi thấy xa xa trong khu rừng cây ngút mắt là Đồng Pan, ở đó cũng có một trại cải tạo, sở dĩ hai bên con đường quang đãng vì có những gốc cây to đã bị đốn bật lên, những trảng cỏ tranh đã phát trống hươ trống hoác do công sức của hàng ngàn người trong trại, họ được lệnh phá rừng trồng thực phẩm duy nhất là cây khoai mì, thứ cây cán bộ miền bắc gọi là sắn. Chính giữa là núi Bà Đen nằm sừng sững trên nền trời giữa khung cảnh vắng lặng hoang vu, không có lấy một căn nhà chứng tỏ nơi đây trước kia có sự sống. Con đường lồi lõm chi chít đầy hố bom, cái nào cái nấy gần bằng cái ao, một lần nữa tôi lại gặp may khi đi thăm nuôi vì đang là mùa nắng nên chiếc xe chạy men theo mép hố trồi lên rồi tụt xuống.Từ trên cao nhìn xuống trông giống một con kiến leo vào leo ra trên miệng cái chậu sành sứt mẻ. Ngọn gió nóng thổi qua trảng trống đầy nắng cuốn theo đám bụi đỏ bay thốc vào mắt mũi kèm theo bụi than của chiếc xe vừa chạy vừa gào rên ầm ĩ ! Về sau tôi mới biết khu vực này được gọi là mật khu Dương Minh Châu của Việt cộng mà trước năm 75 báo chí Saigon hay đề cập.

Đến Kà Tum tôi theo những người cùng hoàn cảnh đi trên chuyến xe ban nãy, khuân vác hành lý theo con đường mòn khác để vào Bổ Túc. Quãng đường không gần, có một chiếc máy cày loại nhỏ người chủ gắn thêm phía sau cái thùng xe đậu chờ trên đầu dốc chở thuê và chỉ nhận chở bao bị, thực phẩm mang theo thăm nuôi, người ta thì đi bộ đỡ phải mang vác trên quãng đường còn lại thế cũng là may rồi ! Đi khoảng một giờ là đến trạm dừng chân vì phía đàng xa hiện ra một cổng gác bằng thanh tre chắn ngang con đường. Mặt trời đang ngã bóng sau lùm cây, mọi người phải tạm ngụ lại nơi này chờ sáng mai trình giấy cho phép thăm nuôi xin qua cổng. Bên ngoài chỉ có hai gian nhà lá nằm cạnh ven đường, tôi không biết những người đi thăm họ đến từ khi nào vì đã có rất đông người tập trung nằm ngồi chen chúc trên những chiếc chiếu thuê của chủ nhà trải đầy nền đất lồi lõm, chập chờn dật dờ qua đêm chờ sáng mai.

Hôm sau, làm xong những thủ tục theo quy định bắt buộc “ xin, cho “ người thân ra gặp. Từ nơi này phải đợi cán bộ vào bên trong thông báo. Giữa rừng rậm bao la không ai biết người thân mình đang ở nơi đâu, ngay cả bản thân người đi thăm cũng không biết mình đang ở vị trí nào trên bản đồ của đất nước. Tôi nghe những người đã đi về thuật lại rằng “ Để được gặp mặt người nhà trong một giờ, bản thân chồng, con, anh em mình phải mất gần mấy tiếng đồng hồ cho lượt đi và gấp đôi thời gian cho lượt về vì phải gồng gánh những thứ thân nhân gửi cho. Sau này được gặp lại vào một lần ở trại khác, chồng tôi kể rằng lúc đó tuy vác nặng nhưng rất vui vì được tiếp tế thực phẩm thuốc men sau hơn ba năm thiếu thốn. So với những trại phải thay đổi về sau, trại Bổ Túc này là trại có quản giáo rất khó khăn và sắt máu nhất.

Trong khoảng thời gian chờ đợi tôi cầm chiếc ca nhựa băng qua mảnh sân trống đến gian chái bếp xin nước. Trong thư nhà tôi có dặn trước khi đi thăm phải uống trước viên thuốc trị sốt rét và phải uống nước nấu chín nếu đem theo được càng tốt để tránh bị sốt rét ngã nước. Bệnh này tôi hay nghe nói chỉ có ở vùng rừng thiêng nước độc.

Gian bếp có một lò lớn đang nấu nồi nước to, cạnh đó là vài cái lò nhỏ kê bằng ba viên gạch. Một thanh niên còn trẻ im lặng đun củi giữ cho nồi nước lúc nào cũng bừng sôi và múc cho những ai cần đến. Một lát gian bếp thưa hết người, chỉ còn lại một chị ngồi đun nồi xôi đậu xanh, chị này vừa đẩy thêm củi vừa cười nói với tôi: “ Nghe hoài câu: "Củi tre dễ nấu, chồng xấu dễ xài", bây giờ mới biết “. Đúng là ông bà mình nói không sai, thanh tre vừa đẩy vào bén lửa rất nhanh. Trong khi người phụ nữ bận rộn với nồi xôi, anh thanh niên nhìn quanh quất và đến gần tôi giả vờ chụm lửa. Anh hỏi nhỏ, rất ngắn gọn:

- Nhà chị ở đâu vậy ?

Tôi đáp:

- Tôi ở Saigon, Quận 10.

- Chị làm ơn chuyển giùm lá thư về cho gia đình tôi. Nhà tôi ở đường Hoàng Diệu, số..., Quận 4.

Nói xong trong tay anh đã sẵn một tờ giấy gấp nhỏ dúi vào tay tôi. Nhanh chóng tôi nắm chặt nó và giả vờ ngồi xuống đẩy củi, tôi nhét lá thư vào túi áo. Miệng lẩm nhẩm, số... Đường Hoàng Diệu thì tôi biết rồi. Bưng ca nước bằng hai tay tôi trở về cái lán che tạm trú nắng chờ chồng tôi ra gặp. Quan sát chung quanh, tôi móc lá thư viết trên một tờ giấy tập học trò vàng ố. Không có địa chỉ cũng như tên tuổi người gởi, người nhận. Bằng trí nhớ tôi cố ghi nhận số nhà người ban nãy đọc cho tôi nghe, chỉ có hai số đơn giản nhưng cũng dễ nhớ.

Trở về Saigon viết lại địa chỉ, tôi lần tìm theo số nhà người thanh niên đã đọc. Gặp hai ông bà cụ tôi trao cho họ lá thư, nhận ra tuồng chữ viết của con, hai ông bà mừng rối rít. Bà lăng xăng chạy ra rồi chạy vào mang từng món khoe với tôi những thức ăn bà làm để mang đi thăm con trai, bỗng dưng tôi thấy lòng thật vui vì đã mang đến niềm vui cho người khác và vui lây với cái vui của họ.

Tôi gặp lại chồng sau hơn ba năm biệt dạng, không dám khóc, không dám buồn, cả hai đều cùng hiểu nên cố không kể lể những gì mình đã trải qua trong thời gian xa cách. Tôi nghĩ những người chung quanh cùng hoàn cảnh vợ chồng tôi đều là những kịch sĩ đại tài, thực thi đúng câu cán bộ trại đã nhắn nhủ trước khi gặp mặt người thân. "Người nhà phải vui vẻ "động viên" thân nhân mình cố gắng học tập tốt, lao động tốt với tinh thần phấn khởi nhiệt tình, như thế ngày về sẽ không xa... v.v.." Không biết thi hào Nguyễn Du đã từng rơi vào tâm trạng của Kiều khi gảy đàn cho Thúc Sinh nghe trước đôi mắt quan sát của Hoạn thư chưa? Thế sao ông diễn tả hết sức tinh tế và sâu sắc giống như những gì chúng tôi đang trải qua lúc này. "Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm!". Đang ngồi hàn huyên tâm sự, bỗng có một chị phụ nữ trung niên đi lân la đến căn lán chúng tôi ngồi. Chị hỏi thăm tên một người, sao chờ mãi gần hết giờ vẫn không thấy người thân ra gặp mặt. Chồng tôi ngần ngại một chút rồi hỏi:

- Xin lỗi, chị là gì của anh ấy?

- Tôi là chị ruột, má tôi ngồi đàng kia chờ thăm em tôi.

Chồng tôi đảo mắt thật nhanh rồi nói giọng buồn rầu:

- Anh ấy mất rồi, Anh chết vì bị trái đạn nổ hơn hai tuần trước.

Tôi thấy dáng chị phụ nữ muốn đổ nghiêng, vẻ mặt thất thần gượng dậy lảo đảo bước đi.

Ngậm ngùi chúng tôi tiếp tục câu chuyện của mình, không đầy mười phút chị này trở lại hỏi nữa với vẻ cố nén bi thương trên mặt.

- Anh làm ơn nói cho tôi biết em tôi có đau đớn gì không khi chết và thi thể ra sao?

- Anh ấy chết ngay chị ạ và chúng tôi xẻ ván làm quan tài chôn cất xác anh đầy đủ.

Chồng tôi năn nỉ:

- Chị đừng để ai biết là tôi nói tin này.

Người phụ nữ nghẹn ngào cố nén:

- Tôi hiểu mà, nãy giờ tôi muốn khóc mà phải gắng gượng cố nén để nước mắt khỏi trào ra.

Dường như chị muốn hỏi thêm nhưng sợ phiền vì mỗi gia đình chỉ được phép gặp mặt nhau trong vòng một tiếng đồng hồ ngắn ngủi. Chị đi rồi, chồng tôi lắc đầu nói:

- Anh không dám nói sợ gia đình chị ấy đau lòng, thật ra xác anh ấy tan nát phải thu lượm từng chút.

Bầu không khí thê lương bao trùm khiến chúng tôi bỗng không biết nói gì tiếp theo. Tôi thấm thía câu : “ Nay đã thanh bình lại biệt ly “ trong một bài thơ viết bởi một tác giả vô danh!

"Ngày về không xa..." Cũng chỉ là những câu nói khiến cho người ta không đoán được giới hạn là bao nhiêu, bao lâu hay là mãi mãi không về ! Những khẩu hiệu nghe sáo rỗng giả tạo còn thực tế thì ngược lại và bây giờ người ta mới nếm được vị đắng cay của quả lừa ! Chuỗi ngày tiếp theo tôi phải đều đặn nhận giấy đi thăm sáu tháng một lần, trừ những lần tôi nhờ bà chị viết thêm tên tôi vào tờ giấy giới thiệu đi công tác để xin mua vé xe, lén đến gặp chồng ở một chòi sâu trong rừng khi không có giấy phép được thăm nuôi.Những năm cuối thập niên bảy mươi, việc di chuyển bằng xe đò bị kiểm soát rất gắt gao vì tất cả phương tiện đi lại đều do nhà nước quản lý. Lần nào tôi cũng mang ít nhất là vài lá thư chuyển giùm cho các bạn anh gửi về gia đình họ. Không riêng gì tôi những người khác cũng vậy, đều làm người chuyển thư bất đắc dĩ vào thời điểm ấy bởi không ít lần đi làm về đã nghe em tôi báo lại “ Chị có thư anh ấy gửi về “ là một lá thư tay. Không nói ra ai cũng ngầm hiểu thư tay gửi theo người đi thăm nuôi được gửi và nhận rất nhanh, với lại không sợ cán bộ kiểm duyệt.

Mỗi lần người chồng chuyển trại đến nơi nào các bà vợ đều thông tin cho nhau rất nhanh qua những chuyến lén lút thăm nuôi. Xa xôi cách trở, rừng sâu hun hút đã không ngăn được tình yêu đôi lứa. Phần lớn những mạo hiểm của cả đôi là lý do sinh tồn, tiếp tế thực phẩm thuốc men để kéo dài đời sống cho người thân dẫu tương lai đang mù mịt không lối thoát.

Tôi không biết việc chuyển giùm thư từ như thế có lần nào bị lộ chăng, và nếu bị bắt gặp người trong trại đương nhiên sẽ bị trừng phạt, dù biết thế nhưng không một ai có ý từ chối. Một lần khi chuyển về Bà Rá, Phước Long được phép gặp mặt một đêm, buổi chiều anh giấu mang ra một bó thư độ mười mấy lá của những người cùng tổ. Đồng thời anh cũng mang theo toàn bộ thư từ tôi viết gửi cho anh mấy năm nay để tôi mang về, lý do nếu có chuyển trại anh khó có thể gìn giữ như từ trước đến giờ. Anh trân trọng hơn mọi thứ đồ dùng cá nhân khác bởi nó gói ghém biết bao nỗi niềm nhớ thương trong đó ! Cho dù mỗi lần đi thăm "Lăng Bác" không có giấy để xuất trình.

Sáng tinh sương, đang sắp xếp hành lý, gói lại chiếc chăn mỏng chuẩn bị ra về với cõi lòng bịn rịn chưa muốn rời xa. Vừa cùng nhau bước qua khúc quanh đầu hồi bỗng trông thấy đám đông đang sắp hàng lao xao. Nhìn thấy cảnh tượng, anh nói ngay với tôi : “ Chết rồi, sao “ đột xuất “ (*) có quản giáo khám xét đồ đạc của mấy bà trước khi ra cổng ?“. Tim tôi bỗng thót lại, hơi run tôi lùi lại rất lẹ làng trở về gian buồng của mình khi nãy. Lần trong chiếc chăn tôi móc ra bó thư của các bạn anh nhờ gởi về nhà, phản xạ khiến tôi giấu nhanh nó vào bụng. Trời rừng núi lạnh căm nên lúc nào tôi cũng mặc chiếc áo len dầy cộp phủ ngoài chiếc áo bên trong. Muốn hay không tôi vẫn phải bước ra sắp hàng chờ kiểm tra. Hít một hơi dài thật mạnh tôi bình tĩnh chờ đợi đến lượt mình.

Trước tôi tên quản giáo đang xét một chị, khám xong không thấy có gì nên hắn nghi ngờ nhìn vào người, chị biết ý lật vạt áo phất lên phất xuống cho thấy không giấu gì trong người.

Đến lượt tôi, chiếc giỏ bị tên quản giáo lục tung, đổ ra trên tấm nhựa đi mưa trải trên nền đất. Chỉ có hai bộ quần áo và chiếc chăn, bó thư của tôi viết tung toé rơi ra. Có lẽ soát xét nãy giờ không tìm thấy gì giờ thấy những lá thư của tôi hắn mừng khấp khởi vơ lấy. Tôi nói nhanh:

- Đây là thư từ tôi gửi cho chồng, bây giờ anh trả lại cho tôi mang về nhà.

Ngồi xổm hắn cẩn thận đọc trên phong bì toàn bộ là tên của chồng tôi cùng địa chỉ của tôi ở góc trái. Sau rốt hắn gật gù:

- Thơ gửi cho cùng một người.

Đứng trả lời hai bàn tay tôi ấp vào bụng giả vờ khúm núm, thật ra tôi đang giữ chặt bó thư trong đó.

- Vâng, tất cả toàn bộ thư tôi gửi hơn bốn năm nay đấy.

Hắn rút ruột từng lá thư ra và nhẩm đọc sơ, tất cả chỉ là tôi kể chuyện về nỗi nhớ niềm thương về con đang lớn. Tôi chắc hắn không thấy gì hấp dẫn nên xếp lại lôi chiếc khác ra. Từng lá và tiếp tục từng lá, cuối cùng hắn nói:

- À, cùng một kiểu chữ viết của một người, nhà chị viết gì mà lắm thế mỗi lá tận những năm sáu trang. Chữ viết đẹp đấy.

Nói xong hắn đứng dậy bỏ đi bởi tôi là người cuối cùng. Có lẽ viết chữ đẹp cũng là cách thu phục cảm tình người khác chăng? Thế là tôi ngồi xuống xếp lại đồ đạc gom thư cho vào giỏ, tiện tay xốc lại những lá thư đang giấu trong người. Đứng lên tôi khệ nệ ôm chặt cái giỏ áp vào bụng thật ra để giữ những lá thư nằm yên một cách chắc chắn. Đường hoàng đi ra cổng và ngoái lại phía sau thấy trong góc dãy nhà chồng tôi cùng vài người đang đứng nấp theo dõi mọi chuyện. Kín đáo tôi giơ hai ngón tay hình chữ V trước khi gãi đầu.

Sau này anh kể lại: "Các bạn anh đứng đàng xa hồi hộp nhìn, khi thấy tên cán bộ quản giáo vơ lấy xấp thơ tất cả đều lo lắng, không hiểu sao hắn bỏ đi và chẳng thấy tịch thu lá thư nào. Khi tất cả vào rừng lao động anh mới giải thích rằng tôi đã kịp giấu tất cả vào người. Thật tình là nhờ xấp thư của tôi gửi cho anh, trao lại tôi mang về khiến hắn chỉ chú tâm vào đó nên không nghĩ rằng còn có những lá thư khác."

Nghe nói có một viện bảo tàng thu thập chứng tích trong thời gian những người Sĩ quan VNCH bị giam cầm trong các trại cải tạo, nếu là chuyện thật và được chấp thuận tôi sẽ gửi những lá thư mình đang cất giữ xem như đóng góp thêm bằng chứng nhỏ nhoi để làm kỷ niệm; chỉ mong giúp gợi cho thế hệ sau này một chút hiểu biết sự thật về thảm hoạ đỏ.





(*) Chữ dùng sau 75 thay thế cho nghĩa "bất thình lình", "đột nhiên".


Cỏ Biển, Mùa xuân 2016

















Free Web Template Provided by A Free Web Template.com